Định hướng phát triển con đường du lịch về nguồn

Định hướng phát triển con đường du lịch về nguồn


Nguồn: TITC
Cập nhật: 30/11/2015, 09:48:32
(TITC) - Ngày 26/11/2015, tại thành phố Thái Nguyên, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển con đường du lịch về nguồn”. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình khảo sát Hà Nội – Vĩnh Phúc – Phú Thọ - Tuyên Quang – Thái Nguyên – Bắc Ninh từ ngày 23/11-27/11/2105, đồng thời hưởng ứng Festival trà Thái Nguyên lần thứ 3 với chủ đề “Tinh hoa văn hóa Việt” từ ngày 26-28/11/2015.

Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương; đại diện các Sở VHTTDL, HHDL Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh; Sở Du lịch Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; cùng đại diện hơn 70 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

Chương trình khảo sát và Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng khai thác tuyến điểm du lịch tại các địa phương, đồng thời xem xét khả năng hình thành các tuyến, chương trình du lịch trọn gói Con đường du lịch về nguồn, từ đó đề xuất định hướng khai thác một cách hợp lý các điểm du lịch và dịch vụ du lịch tại các địa phương; Đồng thời đề xuất các sáng kiến thúc đẩy sự phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng và liên vùng đặc biệt là với thủ đô Hà Nội, nhằm khai thác hợp lý các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ du lịch tại các tỉnh đã khảo sát nói riêng và cả nước nói chung nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử. Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia khảo sát nêu lên những đề xuất, kiến nghị với các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm và kinh doanh có hiệu quả loại hình du lịch về nguồn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh, trong lịch sử hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam thì các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ có một vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là vùng đất cội nguồn của dân tộc, cái nôi của nền văn minh lúa nước, cũng là quê hương của cách mạng kháng chiến, vùng đất vừa có thủ đô của quốc gia, vừa có thủ đô kháng chiến. Đây là những vùng đất gắn với những di sản lịch sử có giá trị và những tài nguyên tự nhiên đặc sắc, hấp dẫn, là tiền đề để phát triển nhiều loại hình du lịch đúng như mục tiêu Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đã đề ra. Phát triển sản phẩm du lịch “Con đường du lịch về nguồn” dựa trên cơ sở khai thác giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục lòng yêu nước của nhân dân, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, từ đó góp phần bảo tồn, tôn tạo các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Sau 4 ngày khảo sát tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang,Thái Nguyên, các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao tiềm năng du lịch của các địa phương. Với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh đa dạng, các đại biểu xác định thị trường khách trọng điểm của Con đường du lịch về nguồn là khách nội địa; Việc liên kết với các tỉnh khác ngoài các tỉnh trên, tạo những tour ngắn ngày đến các khu, điểm du lịch sẽ tạo ra sức hút hấp dẫn đối với khách du lịch.

Tham dự hội thảo, đại diện các doanh nghiệp du lịch miền Trung và miền Nam cho biết, khách du lịch miền Trung và miền Nam có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm du lịch tâm linh, lịch sử phía Bắc, du lịch tìm về cội nguồn, do đó việc xây dựng các sản phẩm phù hợp, đặc trưng sẽ tạo ra tín hiệu tốt thu hút khách đến với các địa phương.

Tuy vậy, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế về việc cung cấp thông tin, quảng bá điểm đến, các sự kiện diễn ra tại địa phương cho các doanh nghiệp du lịch, nhấn mạnh việc cần liên kết giữa các địa phương với doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, giảm giá dịch vụ tại điểm nhằm kích cầu du lịch. Các đại biểu cũng đề nghị cần phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp tại địa phương, hệ thống các trạm dừng chân, nhà vệ sinh đạt chuẩn, bảo đảm môi trường du lịch, phát triển các dịch vụ về đêm hấp dẫn để níu chân du khách. Ngoài hệ thống các di tích lịch sử, tâm linh, cần giới thiệu thêm về ẩm thực đặc trưng và đời sống văn hóa của các dân tộc từng địa phương.

Qua chuyến khảo sát và hội thảo, Tổng cục Du lịch cùng cơ quan quản lý du lịch các địa phương sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để triển khai chỉ đạo khắc phục những yếu kém, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi, xây dựng các điểm đến hấp dẫn, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt hơn cho du khách.

Tin: Hương Lê; ảnh: Anh Dũng
 

 


Tag : 


Các bài viết khác

Dat xe
Dat xe
1