Trước mặt ngọn Cầm Sơn kỳ bí là bãi biển Thiên Cầm trải dài bờ cát vàng như tấm lụa tơ tằm được dát xuống, bởi bàn tay kỳ công của tạo hóa! Có ai hay, không xa phía sau lưng núi là cả xứ cát trắng Đồng Nôi trống trơ dường như vô cảm trước mọi biến độ
Thảm hoa nhập giống từ nước ngoài trồng tại vùng cát Đồng Nôi
Đồng Nôi từng được biết đến như một chốn sa trường dậy trời ai oán bởi tiếng gào hú của giáo gươm và bao vó ngựa thư hùng!...Chuyện kể rằng, từ ngày Hồ Quý Ly bỏ lại chiếc long bào xuống nơi bi thí này mà ngậm ngùi gác lại giấc mộng giang sơn trước sự chính kiến của thần thiêng Đồng Nôi; cùng với đó là hình ảnh nàng thôn nữ xinh đẹp đội chum rượu cỏ may, thứ thảo tửu được cất ủ bằng chính hơi sương trên sa đầu tích tụ qua hằng hà sa số tu hành kiếp cát để tiến dâng vị Hoàng Đế nhà Hồ. Vậy nhưng, khi nàng vừa tới nơi thì cũng là lúc Hoàng Đế bị giặc nhà Minh bắt đưa đi lưu đày sang phương Bắc, khiến nàng tuyệt vọng vô tình đánh rơi chiếc chum xuống giữa mịt mùng bão cát! Và thế, rượu từ chum đỏ hồng như máu trên chính thi thể Đồng Nôi cứ vậy mà chảy ra tựa hồ khe suối… thật lạ kỳ, rượu chảy tới đâu hoa thơm cỏ lạ lại mọc lên tới đó! Và lúc mặt trời trắng bắt đầu lặn tắt thì cũng là lúc cả một suối hoa bạt ngàn như ngàn sao lấp lánh trên dải Ngân hà rải xuống màn đêm, đua nhau tỏa hương khoe sắc muôn màu.
Chưa hết bàng hoàng, thôn nữ chợt thấy một đóa hoa màu đỏ tía vượt cao lên giữa bạt ngàn hoa lá như muốn mách bảo với cô điềm dữ nào đó! Sau phút giây lưỡng lự, thôn nữ nhẹ nhàng hái một nhành hoa ấy nâng lên kẹp vào lòng bàn tay, rồi cứ hướng theo nhành hoa ngã về đâu mà chạy. Chẳng mấy chốc thôn nữ đã về tới túp lều của cha con cô. Không kịp nữa rồi! Khi cô vừa bước lên thềm nhà thì người cha kính yêu của cô đã treo cổ tự vẫn lúc nào không hay. Sau khi người dân quanh vùng biết được sự việc xảy ra thì đã quá muộn, nàng thôn nữ đó đã bỏ làng đi đâu chẳng ai có thể tìm ra tung tích nữa. Tuy vậy, câu chuyện thương tâm của cha con cô vẫn lưu truyền cho tới tận ngày nay.
Có giả thiết cho rằng, cô bị mồ côi mẹ ngay từ buổi lọt lòng giữa một chiều sậm sịch bão giông, con nước triều cường doàng lên tận vách buồn; đêm đêm cha cô phải lên xứ Đồng Nôi hứng từng giọt sương đậu trên cát chắt thành sữa mà nuôi cô khôn lớn. Khi nghe tin Hồ Quý Ly dẫn đám tàn binh chạy về ngọn Cầm Sơn, cha cô, một ngư phủ làm nghề đánh cá ở cửa biển Thiên Cầm vốn có sức khỏe muôn người không địch nổi đã mài gươm đợi sẵn Hoàng Đế, để đầu quân cho nhà Hồ nguyện rửa hận giang sơn. Chính ông đã đào chum rượu giấu dưới vườn trao cho con gái yêu tiến dâng lên Hồ Quý Ly, mong vị Hoàng Đế anh minh ngộ được bức thông điệp của thần dân xứ này muốn gửi tới rằng, họ đang sẵn sàng đứng dậy theo nhà Hồ quyết sống mái với giặc Minh tới cùng.
Tuy vậy, khi biết được Hồ Quý Ly đã bị vó ngựa nhà Minh khuất phục ông liền thắt cổ tự vẫn, vì ông không muốn chịu cảnh phải nhìn thấy quê hương sông núi điêu tàn!...; còn người con gái của ông vì quá tuyệt vọng nên có thể đã gieo mình xuống biển Thiên Cầm, hay bỏ làng ra đi biệt xứ!... Nhưng hầu hết nhiều giả thiết vẫn được truyền tụng trong dân gian là sau cái chết quá nghiệt ngã của người cha, cô đã chọn lối thoát vùi thân vào xứ Đồng Nôi mà ngâm khúc sa ca muôn thủơ ru về tự giọt sữa tao nôi!..
Rượu cỏ may chảy thành cả suối hoa
Cũng có thể ám ảnh bởi những truyền thuyết của xứ cát Đồng Nôi kiêu vọng nhưng cũng đầy xa xót bi ai; và trên hết là vẻ đẹp thuần khiết và tính cách con người cũng như thiên nhiên ở đây được kết tinh qua bao biến thiên của vũ trụ. Bên cạnh đó là trước không khí náo nức của quê hương trong những năm gần đây, đã đạt được nhiều thành tịu to lớn trên con đường phát triển kinh tế xã hội… trong đó có vai trò hết sức quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới và khai thác tiềm năng du lịch. Nhận thấy Đồng Nôi, một vùng cát vỗn dĩ hoang hóa lại càng bị hoang mạc hóa nhanh sau khi Mitraco Hà Tĩnh khai thác tận thu nguồn titan cạn kiệt, ông Dương Tất Thắng, Tổng giám đốc công ty, đồng thời là người con sinh ra lớn lên trên quê hương đất Cẩm khó nghèo quăng quật. Hơn ai hết, ông đã trải qua nửa đời mưa nắng hư hao ngay chính nơi cắt rốn chôn rau của mình, vì thế cho nên ông càng thấu được niềm kiêu hãnh của các đấng thần linh Đồng Nôi cát trắng; và ông kịp tự nhủ rằng, ngay cả tình thương trong ông cũng bị xúc phạm! Không được phép nghi ngờ gì nữa, ông biết mình phải làm gì để cứu lấy cả sa mạc trong cơn dãy chết. Hơn nữa, trước mắt ông còn có cả hơn năm mươi lao động từng gắn bó nhiều năm với nghề khai thác titan ở đây đang vật lộn trước nguy cơ mất việc làm, đồng nghĩa với cuộc sống của họ, gia đình họ sẽ bị xua đuổi khỏi những căn nhà hạnh phúc bé nhỏ; và biết đâu, nếu như Đồng Nôi bị bỏ rơi thì liệu một ngày nào đó cả Khu Du lịch nghĩ dưỡng Thiên Cầm có bị sa mạc hóa xâm chiếm tới tận từng mép sóng?..
Trước bao nổi niềm trăn trở như xát biển vào lòng, ông đã cùng với đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Mitraco Hà Tĩnh ngồi lại bàn bạc quyết tìm ra lời giải cho bài toán Đồng Nôi, với ý tưởng cải tạo vùng cát trắng này trở thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Hà Tĩnh, mở ra một thời kỳ mới, làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế xã hội theo hướng mở bền vững, sau ngưỡng các chỉ tiêu về đích nông thôn mới đã hoàn thành. Qua đó, ngay từ năm 2015, sau khi đơn vị thực hiện thành công Dự án rau củ quả tại một số vùng cát hoang hóa ven biển huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tham quan, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm trong và ngoài nước, nhằm biến những ưu điểm của họ thành lợi thế trong điều kiện thực tế của mình.
Chẳng phải đợi lâu, khi những hạt mưa xuân năm Bính Thân (2016) đang phơi phới choàng lên khắp các ngõ phố, làng quê…nhà nhà đang tận hưởng không khí vui tươi ngày Tết, thì cũng là lúc Mitraco Hà Tĩnh bận rộn triển khai Dự án “Khu du lịch sinh thái trải nghiệm Đồng Nôi- Thiên Cầm” với quy mô lớn, được quy hoạch trên diện tích tổng thể 50ha. Nổi bật là hệ thống vườn hoa, thảm hoa, suối hoa, đường ô hoa… trong đó, phải kể đến các giống hoa nổi tiếng được nhập từ Thái Lan, Indonesia, Mỹ, Nga, Trung Quốc… như Lăng thảo, mắt nai, ngũ sắc chiều tím, dừa cạn, hướng dương, tường vi…; hệ thống hồ sen, hồ súng và nhà chòi dành cho giải khát, câu cá…; hệ thống thảm cỏ Nhật dành cho các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; hệ thống đồng cỏ siêu cao lương, VA6 vừa tạo môi trường xanh sạch, vừa làm thức ăn phục vụ cho Dự án chăn nuôi bò Úc của công ty và hệ thống vườn cây nhà vòm với các loại rau củ quả chất lượng cao như mướp vàng, mướp dài Nhật Bản, bầu eo, bầu tròn, dưa chuột, sà lách, cải xanh, cà rốt, cải bắp…được chăm sóc theo quy trình khép kín với hệ thống tưới Bét tự động bằng công nghệ tiên tiến nhập từ Israel, có thể phục vụ du khách vừa tham quan vừa hái ăn tại chỗ.
Những công nhân khai thác titan giờ là "kỹ sư" canh nông
Như lạc giữa mê cung hoa lá, bất giác lòng mình cảm thấy se lại trước vẻ đẹp đầy tôn kính của những đóa hoa tường vi đỏ tía đang đua nhau vươn lên dưới nắng hạ đầu. Phải chăng có một mối quan hệ tiền kiếp nào đó? Rõ ràng đây là chốn trần gian mắt thịt cho ta sờ được từng cánh hoa nâng nhẹ lên đầu ngón tay trỏ mà nghe tỉ tê thóc mách; cho ta hít thở được cái mùi hương thơm lây lất của nhụy cành, quyện với hương thơm của thảo tửu và hương sữa ngọt ngào được búng ra từ từng li ti hạt cát; cho ta thấy mồn một từng phân tử cực tía đang dịch chuyển trên nụ mầm!... Không lẫn vào đâu được, đây chính là tường vi, loài hoa tiên từng xuất hiện trên chính xứ sở này thủa gươm giáo loạn li, giờ đây đang trở thành giống hoa chủ đạo của miệt xứ Đồng Nôi. Quay về với câu chuyện thương lòng của cha con nàng thôn nữ còn có giả thiết cho rằng, sau khi nàng mất tích, có một đạo sĩ nhặt được cành hoa màu đỏ tía ấy lên xem tử vi định đoán phúc họa và giải trừ mệnh hạn cho bao người quanh vùng. Đạo sĩ đó là ai, đến từ đâu, và sau khi ở đây một thời gian ngắn, ông kỳ hồ lang bạt tới xứ nào cho đến tận ngày nay vẫn đang là một ẩn số?
Xoay quanh câu chuyện về loài hoa tường vi là cả một thế giới thực hư mê đắm lòng người! Nhưng đã tới “Khu Du lịch sinh thái trải nghiệm Đồng Nôi- Thiên Cầm” ta cũng không thể nào không ghé qua khu chợ đêm và hệ thống nhà hàng chuyên trưng bày chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương mà mua sắm và đóng vai ông hoàng thực khách. Và nếu thời gian quay ngược cho mình về lại với cái tuổi trẻ trai thì chắc chắn rằng, mình không thể nào không thử thử sức đi tìm cảm giác mạnh với các trò chơi đua mô tô địa hình, trượt cát…Và cứ thế khi mà mặt trời trắng ngự trị trên xứ cát Đồng Nôi từ ngàn vạn đời nay có vẻ như bắt đầu đổi sang màu đỏ ối đang muốn nhuộm tím cả không gian ban chiều! Tôi không thể nhớ bao nhiêu đôi trai gái đã dắt dìu nhau qua bao suối hoa, nhưng có một điều tôi tin chắc là không có bất kỳ đôi tình nhân nào có thể bỏ qua trước vẻ đẹp đầy quyến rũ của những đóa tường vi màu đỏ tía và những bông hướng dương vàng lên rực rỡ luôn quay về phía mặt trời, mà không dừng lại thật lâu để ngắm nghía và chụp thật nhiều những bức ản mà khoe với bạn bè!
Ông Hồ Sĩ Thảo, Bí thư đoàn Mitraco Hà Tĩnh, người trực tiếp phụ trách thực hiện hệ thống hoa của dự án cho biết: Giai đoạn 2 tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục cho triển khai thêm nhiều mô hình dịch vụ hấp dẫn khác vừa phục vụ du khách, vừa tạo việc làm cho người lao động của công ty và bà con nông dân. Trong đó phải kể đến hệ thống nhà nghỉ; các mô hình trải nghiệm sản xuất chăn nuôi, nhằm tái hiện hình ảnh Văn hóa làng quê Việt Nam; dịch vụ đua ngựa, đua đà điểu và có thể thêm cả dịch vụ tắm bùn…
Đặc biệt, với hệ thống cụm máy móc vít tuyển quặng titan, hiện thân một thời của cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo trên đất Hà Tĩnh, cùng với đó là cả hàng ngàn lao động bước ra khỏi lũy tre làng chuyển thành đội ngũ công nhân khai thác. Giờ đây dự án titan đã hoàn thành sứ mệnh của mình, những khối thép khổng lồ, chứng tích một thời manh nha cho nền công nghiệp hóa hiện đại hóa của Hà Tĩnh đang hiện hữu trên Đồng Nôi và trở thành điểm nhấn của toàn cảnh khu du lịch sinh thái. Bởi trên những khối thép khổng lồ ấy, chính bàn tay của những người thợ khai thác bây giờ vừa là “kỹ sư”canh nông vừa là tiếp viên, hướng dẫn viên du lịch đã tạo thành những hệ thống thủy canh độc đáo, chuyên trồng các loại rau ngắn ngày đang phủ một màu xanh như những khu đồi rau bậc thang đẹp như tranh!
Nữ giám đốc trẻ KS Thiên Ý, với ý tưởng xây dựng thương hiệu rượu và sữa Đồng Nôi
Không nghi ngờ gì nữa ý tưởng về “Khu Du lịch sinh thái trải nghiệm Đồng Nôi- Thiên Cầm” của Mitraco Hà Tĩnh với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng được huy động bằng sức mạnh của cả tập thể trong một thời gian ngắn đã chính thức hoàn thành gia đoạn 1 đi vào hoạt động. Chị Thân Thị Nghị, một nữ giám đốc trẻ tuổi của Khách sạn Thiên Ý – Thiên Cầm trực thuộc Mitraco Hà Tĩnh hết sức tâm đắc cho biết, hiện nay có nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước đã ký hợp đồng với đơn vị mở tuor du lịch thông qua Khu du lịch sinh thái Trải nghiệm Đồng Nôi- Thiên Cầm và khách sạn Thiên Ý. Đây là cơ hội để ngành du lịch Hà Tĩnh nói chung và du lịch Thiên Cầm nói riêng phát triển, tăng thu ngân sách cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động. Chị cũng rất trăn trở mong muốn ngành giao thông tỉnh nhà sớm cho thành lập một bến xe buyt theo tuyến ven biển Thiên Cầm-Thành phố Hà Tĩnh và Thiên Cầm- Khu kinh tế Vũng Áng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai thác tiềm năng du lịch tại thị trấn Thiên Cầm.
Trời chiều đã buông xuống trên xứ Đồng Nôi hình như hơi sương vẫn chưa tan trên từng mọng cát, tôi buột miệng nói với chị Thân Thị Nghị truyền thuyết về chum thảo tửu và những giọt sữa hiếm hoi được chắt chiu từ chính hơi sương đồng cát nơi này, khiến cô không khỏi xúc động! Và trong phút giây ý tưởng trong đầu nữ giám đốc này bỗng lóe lên ý nghĩ rằng, không lâu nữa du khách đến tham quan ở đây sẽ được thưởng thức rượu Đồng Nôi và sữa Đồng Nôi, một thương hiệu mới đặc biệt có giá trị, do chính đội ngũ cán bộ nhân viên Mitraco Hà Tĩnh chưng cất.
Lần đầu tiên đến với Đồng Nôi, một địa danh từng in trong hoang hoải lòng tôi về mấy thủa bi ai, nhưng trước vẻ đẹp không thể nào cưỡng nổi, bởi những đóa tường vi, và cả “Khu Du lịch sinh thái trải nghiệm Đồng Nôi- Thiên Cầm” đang hiện hữu dưới cơn nắng vàng đầu hạ mà càng bâng khuâng!..
Bút ký của Nguyễn Ngọc Vượng/Lao động và Xã hội