Du lịch biển Hà Tĩnh hồi sinh

Dưới cái nắng gắt gao đầu mùa hạ, nhiều du khách đã tìm đến những bãi biển thơ mộng như Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Thạch Hải (tỉnh Hà Tĩnh) để tắm biển, thưởng thức hải sản... sau một năm xảy ra sự cố môi trường biển.

Nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tắm biển Thiên Cầm. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Trong những ngày này, tại bãi tắm Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, du khách đã đổ về để vui chơi, nghỉ mát và tắm biển, thưởng thức những món ăn hải sản như mực, tôm, cá... 

Các nhà hàng, khách sạn, các điểm kinh doanh trên bãi biển đã trang hoàng sạch sẽ, chuẩn bị rất nhiều hải sản tươi sống đánh bắt từ biển để phục vụ du khách. 

Hiện nay, Xuân Thành có 40 cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Tất cả điểm lưu trú này hiện đã được đặt kín phòng, không con chỗ trống trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Năm nay tỉnh Hà Tĩnh chọn Nghi Xuân để khai trương mùa du lịch biển. Sau sự cố môi trường biển đã hơn một năm, huyện Nghi Xuân từng bước vực dậy du lịch biển, gắn du lịch biển với du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, tâm linh. Nghi Xuân đã đón nhiều đoàn khách về tắm biển và thưởng ngoạn những địa điểm danh thắng trên địa bàn, điều này cho thấy du lịch biển đã hồi sinh. 

Để thu hút du khách về tham quan, nghỉ dưỡng tại Xuân Thành, huyện Nghi Xuân đầu tư 49 tỷ đồng xây dựng khu Quảng trường trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn, tạo nên nét đẹp hấp dẫn. Công ty cổ phần Hồng Lam - Xuân Thành sẽ tổ chức các hoạt động giải trí (đua chó, chơi golf biểu diễn) phục vụ miễn phí du khách.

Không chỉ ở bãi biển Xuân Thành mà các bãi tắm, khu du lịch như Thiên Cầm, Đồng Nôi (huyện Cẩm Xuyên), bãi tắm huyện Lộc Hà, Thạch Hải (Thạch Hà) cũng đã khai trương du lịch biển và đón hàng ngàn lượt khách về vui chơi, nghỉ dưỡng.

Tỉnh Hà Tĩnh có bờ biển trải dài 137 km, với vùng lãnh hải rộng gần 20.000 km2 và các giá trị văn hóa khác là lợi thế về du lịch, gắn với các di sản văn hóa phi vật thể vùng ven biển Hà Tĩnh hết sức phong phú, đặc trưng, như lễ hội đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót, lễ hội Đền Chế Thắng phu nhân ở Cửa Khẩu, lễ hội cầu ngư ở Cẩm Nhượng và các loại hình dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng vùng ven biển như hát sắc bùa, hò chèo cạn, ví, giặm, đi cà kheo. 

Sự cố môi trường biển hồi đầu năm 2016 đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, ngành du lịch đứng trước muôn vàn khó khăn vì du khách, người dân không dám tắm biển, cũng như sử dụng nguồn thực phẩm là hải sản. 

Người dân vùng ven biển gặp rất nhiều khó khăn vì cá, mực, hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được. Hiện nay, biển đã an toàn, người dân đã trở lại với sinh hoạt, đánh bắt hải sản, du khách đã tìm về với những bãi biển đẹp, hoang sơ. 

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 190 cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú, trong đó có 1 cơ sở lưu trú được xếp hạng bốn sao, hơn 30 cơ sở lưu trú xếp hạng hai đến ba sao, 43 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn một sao, còn lại là các cơ sở đạt chuẩn cùng với 7 công ty lữ hành. Đến nay, các điểm lưu trú tại các bãi biển đã được nhiều đoàn khách đến đặt chỗ nghỉ. 

Tuy ngành du lịch biển đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn gặp một số khó khăn và chưa khai thác hết tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi. Các cơ sở kinh doanh, điểm lưu trú phục vụ chưa chuyên nghiệp trong việc tiếp đón du khách và thường làm theo mùa vụ không mang tính bền vững. Sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm tại các bãi biển không có nhiều, chưa hướng tới du khách quốc tế. 

Hy vọng việc đưa vào hoạt động các dự án: Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Vinpearl - Cửa Sót, dự án Khu vui chơi giải trí thể thao đua chó và sân Golf Xuân Thành, sẽ đem đến diện mạo mới và hứa hẹn thành công cho ngành du lịch Hà Tĩnh.
 
Tường Vũ (TTXVN)