Dòng sông Hàn thơ mộng tựa như dải lụa chảy quanh thành phố Đà Nẵng. Du lịch đường sông bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hàn hay khám phá vịnh biển đang thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn vào đầu tháng 6/2016, chính quyền và ngành chức năng thành phố Đà Nẵng siết chặt quản lý bến bãi, nâng cao chất lượng dịch vụ đưa đón khách.
Nửa tháng qua, người dân Đà Nẵng và du khách ngỡ ngàng khi chứng kiến tàu du lịch sang trọng hoạt động trên sông Hàn vào mỗi buổi chiều. Đó là chiếc tàu mới được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Du thuyền Viet Princess trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh khai trương, đưa du khách thưởng ngoạn sông Hàn và Vịnh Đà Nẵng.
Gần 1 năm ấp ủ, thiết kế và đóng mới, tàu du lịch Han Princess (còn gọi là “Công chúa sông Hàn”) đã chính thức có mặt tại thành phố Đà Nẵng. Tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn 5 sao, dài gần 50m, rộng hơn 9 m, gồm 4 tầng, sức chứa gần 200 khách, tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Tàu được đóng ở thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9 năm ngoái, chuyển đến thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 4 vừa qua. Tàu du lịch Han Princess được phép khai thác 2 tour du lịch trên sông Hàn gồm “Hoàng hôn sông Hàn” và “Ngắm sông Hàn về đêm”.
Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Viet Princess cho biết: đơn vị đang là doanh nghiệp tiên phong khai thác du lịch đường sông với đội 13 tàu du lịch đẳng cấp 4 đến 5 sao, hy vọng sẽ mang đến sản phẩm du lịch đẳng cấp trên sông Hàn và vịnh biển Đà Nẵng.
“Sau khi xảy ra tai nạn trên sông Hàn đối với tàu Thảo Vân 02, tôi có mặt ở Đà Nẵng như 1 người đi chơi du lịch. Tôi thấy nhu cầu thực sự của thành phố vừa có biển, vừa có sông Hàn và các hệ thống sông khác nhưng chưa có sản phẩm du lịch nào đúng nghĩa cao cấp và an toàn cho du khách và đồng thời cũng là nhu cầu chung của du khách, chúng tôi về họp Hội đồng Quản trị và quyết định đầu tư trong thời gian có 3 ngày”, ông Cường nói.
Nhận thức tầm quan trọng và tiềm năng của sông Hàn- nét văn hóa, biểu tượng của thành phố Đà Nẵng trong phát triển kinh tế- xã hội, chính quyền thành phố đã tập trung đầu tư hạ tầng 2 bên bờ sông như: xây dựng các cầu tàu, mở rộng tuyến tham quan danh thắng, cải tạo mặt bằng, bến bãi, đồng thời kêu gọi các tổ chức cá nhân đầu tư đóng mới tàu du lịch đa dạng dịch vụ trên sông.
Hiện trên sông Hàn đang có 22 tàu du lịch khai thác, bình quân mỗi đêm các tàu đưa đón khoảng 700 khách tham quan thưởng ngoạn sông Hàn về đêm, cao điểm có thể phục vụ khoảng 1.200 khách. Số lượng tàu giảm hơn so với năm ngoái nhưng chất lượng hoạt động được nâng lên đáng kể nhờ việc đầu tư đóng mới. Thành phố Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến hết năm nay không còn tàu du lịch nào cải hoán từ tàu cá được phép hoạt động trên sông Hàn.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố kêu gọi và khuyến khích nhà đầu tư có tiềm năng đóng những con tàu hạng sang khai thác tuyến du lịch sông Hàn.
“Dòng sông Hàn của thành phố Đà Nẵng hết sức quý giá. Nơi đây chúng ta có thể tập trung khai thác những giá trị về thương mại, du lịch, về cảnh quan cũng như không gian văn hóa và thiên nhiên cho cả thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, trên sông Hàn, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa còn khá khiêm tốn. Nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới là tập trung đầu tư, nghiên cứu những hình thức cho thật sự phù hợp với cảnh quan của sông Hàn để chúng ta khai thác tiềm năng, thế mạnh về lợi thế du lịch, về thương mại du lịch để người dân và du khách có thể hưởng thụ những giá trị văn hóa, cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn”, ông Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn năm ngoái để lại bài học lớn đối với chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng. Lượng khách du lịch giảm một nửa những tháng sau đó. Việc nghiêm cấm các tàu cải hoán cũ kỹ đưa đón khách, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch đường sông của thành phố Đà Nẵng, tạo nên sự an toàn cho du khách./.