Hà Tĩnh: Phát hiện cơ sở sản xuất giò chả sử dụng hàn the.

(ĐSPL) - Cơ quan chức năng huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vừa phát hiện một cơ sở sản xuất giò chả có sử dụng chất hàn the và phụ gia không rõ nguồn gốc tại gia đình bà Phạm Thị Luận.

Tin tức từ Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 4 - thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt quả tang một cơ sở sản xuất giò chả trên địa bàn sử dụng chất hàn the và một số phụ gia không có nguồn gốc.

Hà Tĩnh: Phát hiện cơ sở sản xuất giò chả sử dụng hàn the - Ảnh 1

Cơ sở sản xuất giò chả của bà Phạm Thị Luận có sử dụng chất hàn the và một số phụ gia không rõ nguồn gốc. 

Theo đó, ngày 5/1, đoàn đã kiểm tra đột xuất gia đình bà Phạm Thị Luận (58 tuổi), ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.

 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang xay thịt, đúc khuôn giò tại nền nhà; thịt được đặt ở nền để trộn cùng các phụ gia khác để chế biến giò chả. Cơ quan công an còn thu giữ tại cơ sở 1kg hàn the và các loại phụ gia không rõ nguồn gốc.

Đoàn kiểm tra sau đó đã tiến hành lập biên bản, hoàn thiện các hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Thanh Hóa, cũng trong ngày 5/1, tại Km378 trên QL1A, đoạn thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tổ tuần tra kiểm soát, Trạm CSGT Quảng Xương thuộc Phòng CSGT Công an tỉnhThanh Hóa tiến hành kiểm tra hành chính đối với xe ô tô khách BKS: 75B - 007.57 do Lê Huy (46 tuổi), phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) điều khiển.

 
 
 

Hà Tĩnh: Phát hiện cơ sở sản xuất giò chả sử dụng hàn the - Ảnh 2

Hơn 500 kg lợn sữa không có giấy tờ đã bị Trạm CSGT Quảng Xương - PC 67 Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển trên 500kg thịt lợn sữa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Lái xe khai nhận số hàng trên được vận chuyển từ Quảng Trị ra Thanh Hóa tiêu thụ.

Điều 6. Nghị định số 55/2010/QH12 Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm:

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

HỒ THẮNG - TRIỀU DƯƠNG