Tắm lá chữa thủy đậu, bé trai 4 tháng tuổi bị nhiễm độc da toàn thân.

Con bị mắc thủy đậu, mẹ dùng lá thuốc nam để tắm, sau hai ngày các nốt phát ban trên cơ thể bắt đầu phồng rộp, lở loét và phải nhập viện điều trị.

Hôm 23/3, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận bé trai Nguyễn Trung Đức (4 tháng tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) trong tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc da rất nặng. Cơ thể lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh, cháu khóc liên tục do tổn thương vùng miệng khiến bé không thể bú mẹ.

Được biết, bé Đức bị thủy đậu. Vì muốn con nhanh khỏi, mẹ bé tắm cho con bằng lá thuốc nam. Chỉ hai ngày sau, các nốt phát ban trên cơ thể bé bắt đầu phổng rộp, lở loét. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm độc da và điều trị trong phòng cách ly vô trùng.

Chỉ một ngày sau, các tổn thương trên da của bé đã bắt đầu se lại. Đến nay, sau 5 ngày nhập viện, vết thương toàn thân của trẻ đã khô và bắt đầu bong vảy. Bé bú tốt, ngủ ngoan.

 

 tam la chua thuy dau, be trai 4 thang tuoi bi nhiem doc da toan than - 1

 

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ, các vết thương ngoài da đã seo lại.

Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện nay, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ.

“Ban đầu, cháu bé chỉ bị thủy đậu, là một bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải song gia đình không dùng thuốc điều trị mà tự xử trí không đúng cách, khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn”, BS Hải cho hay.

Trước đó, con trai chị N. (Từ Liêm, Hà Nội) mới 2 tuổi cũng mắc thủy đậu. Dù vẫn bôi xanh methylen và giữ vệ sinh nhưng nghe lời người bà con, chị N. đã mua các loại lá ở chợ về tắm để con đỡ ngứa ngáy.

Khi tắm xong, chị N. nghĩ mọi thứ sẽ ổn. Nhưng ngày hôm sau, các nốt thủy đậu bắt đầu vỡ và loét. Chị N. ngay lập tức đưa con đi bệnh viện nên mới không bị biến chứng nặng.

Từ những trườn hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo việc tắm lá khi mắc thủy đậu không thể tiêu diệt vi khuẩn như phụ huynh nghĩ, thậm chí còn gây nguy hiểm. Bởi có những loại lá gây dị ứng vì không phù hợp với da, cơ địa của trẻ dẫn đến cơn ngứa càng nặng hơn.

Theo đó, khi trẻ bị thủy đậu, phụ huynh vẫn cần vệ sinh cho trẻ. Có thể dùng khăn lau các vùng da xung quanh bằng nước ấm. Tuyệt đối không va chạm và tác động khiến cho nốt thủy đậu bị vỡ dễ dẫn đến bội nhiễm. Nếu mặc không thoáng, vệ sinh kém sạch sẽ làm cho các chất bẩn tồn tại trên da sẽ gây bội nhiễm.

Theo Lê Phương (Khám phá)