“Tè bậy” bị phạt 300 nghìn hay 3 triệu đồng?

Cùng hành vi “tè bậy” nhưng mức phạt cao nhất ở Nghị định 167/2013 chỉ bằng 1/10 so với mức phạt ở Nghị định 155/2016/NĐ-CP sắp có hiệu lực.

“Tè bậy” bị phạt 300 nghìn hay 3 triệu đồng? - 1

Hình ảnh một người đàn ông tè bậy giữa phố lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua.

Phạt “tè bậy” vênh nhau 10 lần

Từ ngày 1.2.2017 tới, Nghị định 155/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 155) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Trong nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng phạt nặng đối với loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.

Đáng chú ý, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 155/2016 được công bố, nhiều bạn đọc thắc mắc, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định ở nơi công cộng sẽ bị phạt cao nhất 300 nghìn đồng hay 3 triệu đồng?.

Lý do là vì, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình đang có hiệu lực  - sau đây gọi là Nghị định 167) cũng có quy định xử phạt người tiểu tiện “bậy”. Tuy nhiên, mức phạt cao nhất chỉ là 300 nghìn đồng, tức là chỉ bằng 1/10 so với mức phạt quy định Nghị định 155/2016.

Trong khi đó, hành vi đổ rác, chất thải vào hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường… Nghị định 167 xử phạt số tiền 1-2 triệu đồng, nhưng với hành vi tương tự, mức phạt ở nghị định 155 là 5-7 triệu đồng.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng, về mặt nội dung, các quy định xử phạt về hành vi “tè bậy”, xả rác không đúng nơi quy định trong nghị định 167 và 155 sắp có hiệu lực đang có sự “dẫm chân lên nhau”.

“Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay quy định, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Điều này có nghĩa, người “tè bậy” sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng bởi Nghị định 155 ban hành sau Nghị định 167. Nhưng rõ ràng, nếu áp dụng một cách máy móc quy định này thì sẽ rất bất lợi cho người vi phạm.

Hơn nữa, cùng điều chỉnh một hành vi như tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định nhưng mức phạt ở hai nghị định lại “vênh” nhau lên tới 10 lần dễ dẫn việc áp dụng pháp luật một cách lệch lạc, dễ gây phản ứng từ người vi phạm.

Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xem xét điều chỉnh trước khi Nghị định 155 có hiệu lực thi hành để tránh chồng chéo trong quy định gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm”, luật sư Trần Tuấn Anh nêu ý kiến.

Mức phạt quá cao?

Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho rằng, về nguyên tắc, việc xử phạt hành vi “tè bậy” sẽ áp dụng theo Nghị định 155 khi nghị định này có hiệu lực. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức phạt với hành vi “ tè bậy” từ 300 nghìn lên 3 triệu đồng là quá cao, chưa phù hợp.

Luật sư Kiên cho rằng, hành vi “tè bậy”, bản chất là vi phạm về nếp sống văn hóa, hành vi này chủ yếu thuộc về tâm lý, văn hóa nông dân… tồn tại từ hàng ngàn năm qua của đất nước ta. Vì vậy, việc phạt tiền chưa chắc đã mang lại hiệu quả nhất nếu không kèm theo đó là các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về lối sống văn minh, hành vi văn hóa, ứng xử nơi công cộng…

“Số tiền phạt có thể nhỏ hơn 3 triệu nhưng nếu kèm theo đó là chế tài mang tính chất văn hóa như gửi văn bản khiển trách về khu dân cư, nơi công tác, công khai tên tuổi người vi phạm… Như vậy, có thể người vi phạm mới có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ nơi công cộng”, luật sư Kiên nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, một số quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định 155 là quá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Ngoài ra, việc tăng mức phạt với một số hành vi ở Nghị định 155 là chưa phù hợp với thực tiễn vì chưa đồng bộ với cơ sở vật chất của Việt Nam hiện nay

“Chúng ta đã xây dựng được bao nhiêu khu dành riêng cho những người hút thuốc nơi cộng cộng? Hệ thống nhà vệ sinh công cộng của chúng ta hiện tại đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân chưa?... Tôi cho rằng, chỉ khi cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng nhu cầu của người dân khi đó việc xử lý vi phạm mới thực sự thuyết phục”, luật sư Tuấn Anh nói.

 

Theo Xuân Lực (Dân Việt)