Thị trường nội tạng bất hợp pháp âm thầm lan rộng.

17:00 10/01/2017 Người mẹ trẻ 37 tuổi tên là Geeta sống ở Hokse, nơi được gọi là "Ngôi làng bán thận" bởi vì ở đây mọi người đều sống nhờ việc bán thận cho bọn buôn lậu bộ phận người ở Nepal. Sau khi được thuyết phục bán quả thận của mình với giá ch

Geeta dự định dùng một số tiền bán thận để mua một rẻo đất ở Hokse - ngôi làng nằm cách thủ đô Kathmandu miền trung Nepal gần 20km - và số tiền còn lại để xây căn nhà bằng đá. Nhưng người mẹ của 4 đứa con trở nên không nhà sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter biến căn nhà thành đống đổ nát. Hiện nay, Geeta và 4 đứa con nhỏ của chị đang sống qua ngày trong căn lều được dựng lên tạm bợ. Không chỉ có mỗi Geeta phải chịu đựng số phận hẩm hiu.

 
Một người bán thận cho thấy vết sẹo trên cơ thể.

Bọn buôn lậu cơ quan nội tạng người thường lui tới Hokse, nơi dân số chỉ vào khoảng 3.000 người và những ngôi làng trong vùng Kavrepalanchowk giở mọi chiêu trò để thuyết phục mọi người sang miền nam Ấn Độ phẫu thuật cắt một quả thận bán kiếm tiền. Có kẻ táng tận lương tâm đến mức nói với những nạn nhân ngây thơ rằng, sau khi cắt thì một quả thận mới sẽ mọc trở lại! Đó chính là trò lừa bịp mà cô em dâu đã nhẫn tâm dùng với Geeta.

Chị thú thật: "Trong suốt 10 năm qua, nhiều người tìm đến làng cố thuyết phục chúng tôi bán thận nhưng tôi vẫn một mực nói không". Cuối cùng, do mong muốn mua một mảnh đất nhỏ và xây một căn nhà đàng hoàng cho gia đình đang dần đông đúc lên mà Geeta phải đi theo cô em dâu đến Ấn Độ bán thận. Chị giải thích: "Tôi luôn muốn có căn nhà và mảnh đất riêng để sống với con cái. Tôi thật sự rất cần". Ca mổ chỉ mất độ nửa giờ nhưng Geeta phải nằm viện đến 3 tuần.

Chị nói: "Khi tỉnh dậy sau ca mổ lấy thận, tôi cảm thấy như đã không có chuyện gì xảy ra và rất ngạc nhiên khi biết mọi việc đã hoàn tất. Sau đó, tôi được trả 200.000 rupee NFepal (hơn 1.000 USD) cho quả thận. Thế là tôi đã có thể mua đất và xây nhà".

Không riêng gì Geeta mà rất nhiều người Nepal đều mơ ước có căn nhà riêng. Thế rồi giấc mơ của Geeta trở thành tro bụi khi ngày 25-4-2015, một trận động đất kinh hoàng quét qua đã cướp đi sinh mạng 8.800 người và làm bị thương ít nhất 23.000 người. Thiên tai thật sự đã đẩy nhiều người dân Nepal vào cảnh vô gia cư. Tuyệt vọng, nhiều người tìm đến men rượu để giải sầu. Cũng chính thiên tai đã làm bùng nổ thị trường đen mua bán thận đồng thời biến đất nước Nepal thành "ngân hàng thận".

Nạn buôn bán bất hợp pháp đã tăng đến mức mà các chuyên gia phân tích ước tính là vào khoảng 10.000 giao dịch trên thị trường đen liên quan đến cơ quan người diễn ra hàng năm - tức khoảng hơn 1 cơ quan được mua bán trong mỗi giờ, theo đánh giá từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Có đến 7.000 quả thận được sở hữu bất hợp pháp mỗi năm, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và tư vấn Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI) đặt trụ sở tại Washington DC. (Mỹ). Báo cáo này cũng tiết lộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh cơ quan người bất hợp pháp lên đến con số khủng khiếp: 650 triệu USD/năm!

Cơ quan nội tạng người biến thành nguồn hàng cung ứng theo nhiều cách: Các nạn nhân bị bắt cóc và buộc phải bán một cơ quan của mình. Hoặc một số nạn nhân do tuyệt vọng về tài chính sẵn sàng bán nội tạng của mình. Hoặc là, họ bị lừa gạt nói rằng cần phải tiến hành phẫu thuật vì lý do gì đó và cơ quan nội tạng bị cắt lấy mà họ không hề biết.

 
Một ngôi nhà bị thiệt hại nặng nề sau trận động đất tháng 4-2015.

Thậm chí, một số người còn bị giết chết để cắt lấy thứ có thể bán được vài ngàn đôla. Các bác sĩ ở Nepal cho biết có những bệnh nhân giàu tiền lắm của vẫn thích vượt qua biên giới đến Ấn Độ để phẫu thuật. Bác sĩ Rishi Kumar Kafle, giám đốc Trung tâm Thận Quốc gia Nepal, giải thích: "Họ muốn được hưởng các dịch vụ tốt hơn. Họ muốn được các bác sĩ Ấn Độ phẫu thuật. Đó là lý do tại sao họ tìm đến các bệnh viện ở Ấn Độ".

Trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo hay trẻ em khuyết tật, thường là mục tiêu của bọn buôn lậu nội tạng người. Tháng 5-2013, bé gái 8 tuổi người Anh Gurkiren Kaur Loyal chết tại một bệnh viện đa khoa ở Ấn Độ và gia đình cô bé cho biết họ nghi ngờ con họ bị các bác sĩ cố tình sát hại  để đánh cắp cơ quan nội tạng. Sau khi bị đánh cắp tại các hệ thống bệnh viện ở miền nam Ấn Độ, các cơ quan khỏe mạnh được đem chào bán cho những bệnh nhân giàu có đang chờ phẫu thuật cấy ghép nội tạng với giá cắt cổ.

Tổ chức phi chính phủ Forum for Protection of People's Rights Nepal (PPR Nepal) báo cáo: việc bán thận thường khiến cho nhiều người ở Nepal cảm thấy hổ thẹn và cố tránh xa cộng đồng của họ.

Krishna Pyari Nakarmi, luật sư làm việc cho PPR Nepal, phát biểu: "Khi quay trở về làng, những người bị dụ dỗ bán thận thường trở thành đề tài bàn tán trong cộng đồng. Trong vài trường hợp, họ còn bị cộng đồng lảng tránh bởi vì việc bán thận được coi là không thể chấp nhận được. Ngay đến con cái họ cũng bị kỳ thị trong trường học. Sự việc khiến cho các nạn nhân lâm vào cảnh rượu chè vì tuyệt vọng".

Năm 2007, chính quyền Nepal thông qua Luật Cấm bán thận. Do đó, hoạt dộng mua bán nội tạng người co cụm lại trong một số khu vực như là vùng Kavrepalanchowk. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lo ngại rằng thị trường bất hợp pháp vẫn âm thầm lan rộng sau trận động đất kinh hoàng ở Nepal.

Duy Ân (tổng hợp)