Vụ cháu bé 9 tuổi tử vong bị tôn trên xe xích lô đậu bên đường cứa vào cổ là hồi chuông cảnh báo về tình trạng những chiếc 'xe thần chết' đang ngang nhiên chạy trên phố
Vụ cháu bé 9 tuổi ở P.Tân Mai (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) tử vong do tôn trên xe xích lô đậu bên đường cứa vào cổ là hồi chuông cảnh báo cho cơ quan chức năng đã để xe thô sơ chở tôn, sắt, vật liệu cồng kềnh, nguy hiểm ngang nhiên chạy trên đường phố đông người.
“Ngày 24.9, tôi vẫn thấy người ta chở tôn mà không có vải quấn ngoài. Những tấm tôn sắc lẹm như lưỡi dao, nhìn rợn tóc gáy”, một người dân chỉ về một cửa hàng vật liệu xây dựng ngay trên phố Tân Mai, Hà Nội nói.
TIN LIÊN QUAN
Bé 9 tuổi bị tôn cứa cổ tử vong: Tạm giữ hình sự người lái xích lô
Người đàn ông dùng xe xích lô vận chuyển tôn thuê tới công trình, trong lúc dừng đỗ đã vô tình gây ra cái chết thương tâm cho cháu bé 9 tuổi, đang bị Công an Q.Hoàng Mai tạm giữ hình sự.
Chạy qua mặt CSGT vẫn không bị thổi
Sáng 24.9, chúng tôi đi theo một chiếc xe máy cũ kỹ chở những thanh sắt dài trên 10 m, từ hướng ngã tư Sở về đường Cầu Giấy (Hà Nội). Để lách khỏi đoạn đường đông đúc trên đường Láng, nhất là tại các nút giao như Láng - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh khi có nhiều người chờ đèn đỏ, người lái xe luồn lách, đánh võng. Đến ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh, chiếc xe máy và những thanh sắt cắt ngang qua mặt một tổ CSGT đang làm nhiệm vụ rồi chạy mất hút về phía Cầu Giấy.
|
Tại TP.HCM, ngày 24.9, rất nhiều xe ba gác, xích lô, xe máy chở sắt thép, tôn cồng kềnh lưu thông trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt (Q.10), đường Phạm Hùng (Q.8), khu vực Chợ Lớn, đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) mà không có một CSGT nào kiểm tra, xử lý.
Lúc 14 giờ, trên đường Phạm Hùng, lọt thỏm giữa hàng trăm phương tiện đang lưu thông trên đường là hai thanh niên đang đẩy xe ba gác chở hàng chục tấm tôn sắc bén, không được bọc hai đầu, có bề ngang khoảng 2 m, dài gần 5 m. Trong lúc đổ cầu Chánh Hưng, nhiều phương tiện phải thắng gấp vì sợ “đụng độ” với xe ba gác chở tôn đang di chuyển cùng chiều phía trước. Đáng nói, người đẩy xe ba gác này khi xuống dốc có lúc không làm chủ được tốc độ, suýt va trúng vào người đi đường. Tại đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), nhiều xe chở tôn, kính, sắt dài hơn 10 m, không bọc hai đầu rất nguy hiểm cho người đi đường.
Tại đường Lý Thường Kiệt (Q.10) các xe ba gác máy, xích lô, xe máy cũng vận chuyển những thanh thép ống dài hơn 10 m, tôn tấm chạy ngang nhiên ngoài đường. Khi đi qua các đoạn đường gồ ghề những thanh sắt nhọn hoắc trên xe rung lắc, đong đưa khiến những phương tiện khác phải dạt vào lề.
Đường Lý Thường Kiệt có rất nhiều hộ dân kinh doanh sắt thép ống và vật liệu xây dựng. Trước các cửa hàng còn có xe máy được “độ” lại với 2 phuộc nhún để chở được nhiều thép ống hơn. Trên cung đường này, người đi đường dễ bắt gặp những hình ảnh một người tay lái xe, tay còn lại vác thanh sắt dài cả chục mét chạy như “làm xiếc” trên đường. Theo những người hành nghề xe ôm tại đây, khoảng 8 - 16 giờ hằng ngày là lúc các xe ba gác máy chở thép ống, tôn, gương kính hoạt động mạnh nhất.
Tuần tra, xử phạt nhưng không xuể (?)
Trong ngày 24.9, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, Công an TP.Hà Nội) để hỏi về quy định tuần tra kiểm soát, xử phạt những trường hợp điều khiển phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh... nhưng đều không được. Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (PC67 Công an TP.Hà Nội ), cho biết: Trong Quyết định 06 của UBND TP.Hà Nội nêu rõ cấm xe ba bánh, xe ba gác, xe xích lô hoạt động trong địa bàn thủ đô. Mặc dù đã có lệnh cấm, các tổ công tác của PC67 thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhưng phạt không xuể. Theo thượng tá Quỹ: “Cần xử lý dứt điểm từ nơi sản xuất, từ chính các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, như tôn, thép... Cụ thể, phải buộc các cửa hàng này cam kết vận chuyển hàng an toàn, vận chuyển bằng ô tô và chỉ được phép lưu thông vào những giờ quy định. Trường hợp vi phạm, các chủ cơ sở phải trực tiếp chịu trách nhiệm”. Thượng tá Quỹ dẫn chứng, hiện có rất nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu như tôn, thép trên đường Đê La Thành thuê xe xích lô, xe ba gác vận chuyển tới hàng loạt các công trình xây dựng.
Theo đội trưởng đội CSGT của một quận ở TP.HCM, tình trạng dùng xe ba gác máy, ba gác đạp, xích lô chở tôn, sắt, vật liệu vượt quá quy định về kích thước hiện vẫn còn, diễn ra chủ yếu ở các quận 5, 10, 11 và vùng ven TP.HCM, mặc dù đã bị cấm. Đối với lỗi dùng xe ba gác đạp, xích lô chở hàng cồng kềnh, quá khổ khi bị CSGT bắt giữ, ngoài việc xử phạt lỗi xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định từ 200.00 - 400.000 đồng thì sẽ bị tịch thu xe.
Tạm giữ hình sự người lái xe xích lô chở tôn
Ngày 24.9, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có công văn gửi UBND TP.Hà Nội về vụ bé trai tử vong thương tâm khi đâm vào xe ba gác chở tôn. Theo đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã gửi lời chia buồn và cử Phó chủ tịch chuyên trách ủy ban trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình cháu bé tử vong trong vụ tai nạn. Bên cạnh đó, để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dẫn đến vụ tai nạn.
Cùng ngày, đại tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng công an Q.Hoàng Mai (Công an TP.Hà Nội) cho biết đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam) để điều tra về cái chết của cháu Trần Minh Hoàng. Ông Thạch khai, thời điểm xảy ra vụ việc, ông được thuê vận chuyển những tấm tôn dài cả chục mét tới một công trình trên đường Tân Mai. Trong khi đang dừng chiếc xích lô để chờ bốc hàng thì cháu Hoàng đạp xe qua, đâm trúng.
|
Thanh Niên
Ảnh: Ngọc Thắng - Đào Ngọc Thạch - Độc Lập