Ngày Nay, nhiều người đi xe ngang vùng Cầu Phủ (thị xã Hà Tĩnh) thường ghé lại mấy quán bán kẹo Cu –Đơ để mua vài gói làm quà. Cửa hàng nào ở đây cũng treo biển hiệu “Kẹo Cu –Đơ chất lượng”, “Kẹo Cu –Đơ đặc biệt”, “Kẹo Cu –Đơ chính gốc” v.v…
Thực ra kẹo Cu Đơ ở Cầu Phủ là mới có thương hiệu sau này mà thôi, nhưng kẹo chưa ngon, còn nhạt nhẽo và không được mềm dẻo như kẹo Cu-Đơ ở Hương Sơn mà chúng tôi đã từng ăn từ thuở xa xưa của tuổi học trò. Xuất xứ lâu đời nhất về loại kẹo này đầu tiên là tại vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đây là một loại kẹo lạc(đậu phụng) mà thôi, nhưng quy trình nấu và nguyên liệu thì có khác đôi chút. Kẹo lạc thông thường thì nấu có 3 thứ nguyên liệu chính: đó là đường, đậu lạc hột, bánh tráng(bánh đa), và phụ gia là nước gừng hay dầu chuối, nhưng kẹo Cu –Đơ thì không nấu bằng đường mà nấu bằng mật mía, nên mềm dẻo và thơm ngon.
Người ta đồn rằng, loại kẹo Cu –Đơ nấu ngon nhất là vùng huyện lụy Hương Sơn trên bờ sông Ngàn Phố. Hồi xưa, mới đầu người ta chỉ nói là kẹo lạc của nhà cụ Hai ở Thịnh Xá, là ngon có tiếng. Sau đó có một sự tích mà trở thành tên gọi là “kẹo Cu –Đơ”. Có lẽ do người Pháp đã tạo nên tên gọi đó. Vì tiếng Pháp đọc chữ cụ thành “Cu”, chữ Hai coi như số 2(deux) và đọc là “Đơ”. Trong sách xưa đã kể lại rằng:
“Nghe lưu truyền rằng, từ thời Pháp thuộc,một vị người Pháp đi qua Hà Tĩnh,ông lên dọc sông Ngàn Phố để khảo sát cảnh quan sông núi và thôn quê. Những người dân mời ông một bát nước chè xanh nóng và mời ăn miếng kẹo bọc trong tấm lá chuối khô, ông Pháp đó cũng cầm miếng kẹo và ăn ngon lành, rồi uống nước chè xanh, sau phút ngỡ ngàng ông ta thốt lên:
“Délicieux!” (ngon tuyệt vời).
Sau đó ông ta hỏi về nguồn gốc loại kẹo bánh ngon kì lạ này và qua người thông dịch, người dân chỉ cho vị này nhà cụ Hai (làng Thịnh Xá, Hương Sơn) nơi đã sản xuất loại kẹo này. Vị người Pháp muốn tìm về nhà ông cụ Hai để xem cách nấu bánh kẹo của cụ. Sau đó ông ta mua hết thảy số bánh kẹo mà ông cụ đang có để về làm quà cho bạn bè và người thân.
Vị người Pháp này mua kẹo của ông cụ Hai bỏ vào hộp và về đề tên Gâteau de CU DEUX (bánh CU-ĐƠ) lên trên mỗi hộp mà ông gửi tặng bạn bè ở Paris, từ “de” trong tiếng Pháp dưới tên dòng tộc như là biểu hiện dòng dõi quý tộc”.
Từ đó lan truyền ra chính thức cái tên kẹo CU- ĐƠ ngộ ngộ, vui vui này. Có người còn nói tếu là kẹo HAI CU, hoặc kẹo HẠI CU.
Có mấy người bạn từ Hà Tĩnh ra thăm nhà thơ Bút Tre và mời ăn kẹo Cu-Đơ –đặc sản của Hà Tĩnh. Bút Tre(tên thật là Đặng Văn Đăng) rất vui, vừa uống nước chè xanh, vừa ăn ngon lành miếng kẹo. Ăn xong ông vui cười ngâm nga câu một câu rất khôi hài cho bạn bè nghe:
Không ăn không biết CU ĐƠ,
Ăn rồi mới biết nó đờ cu ra!….
Mọi người nghe vậy cười ồ lên. Có người hỏi thêm nhà thơ:
“Đề nghị nhà thơ giải thích từ “đờ”trong câu thơ?”.
Bút Tre cười rồi nói ngay:
“Ai muốn hiểu từ “đờ” thế nào cho vui cũng được cả”.
Thế là mọi người vui vẻ, cứ đọc đi, đọc lại câu thơ của Bút Tre và cười thoải mái…
Nguyễn Hồng Trân