Quay cầu Sông Hàn sớm hơn phục vụ du khách

TP Đà Nẵng có thể sẽ đẩy thời gian quay cầu Sông Hàn sớm hơn để phục vụ du khách thay vì từ 0h đến 1h vào 2 ngày cuối tuần.


Nhiều người dân và đại diện các doanh nghiệp du lịch đều đồng tình trước thông tin UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND thành phố thay đổi thời gian quay cầu Sông Hàn sớm hơn; đồng thời cho rằng, đây là sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách.

Du khách muốn xem cầu Sông Hàn quay

Trước đây, việc quay cầu Sông Hàn nhằm phục vụ giao thông đường thủy cho các tàu, thuyền qua lại. Hằng ngày, vào 1h sáng, nhịp giữa cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Đến 4h sáng, cầu quay trở lại như cũ. Nhưng kể từ ngày 5/3/2010, thời gian quay cầu thay đổi.
 
Cầu quay sông Hàn
Nhiều du khách rất tiếc nuối vì chưa được xem cầu Sông Hàn quay.

Nếu không có tàu qua lại, mở cầu lúc 1h và đóng cầu trước 2h cùng ngày. Nếu có tàu qua lại, mở cầu lúc 1h và hoàn thành đóng cầu lúc 4h cùng ngày. Sau đó, để phục vụ du lịch, giờ quay cầu Sông Hàn được điều chỉnh sớm hơn và hiện tại là từ 0h đến 1h vào 2 ngày cuối tuần, trừ khi có gió quá cấp 7 không bảo đảm an toàn thì không vận hành quay cầu. Hiện UBND thành phố chỉ đạo đẩy thời gian quay cầu Sông Hàn sớm hơn để phục vụ du khách.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, phấn khởi: “Lâu nay, du khách đến hoặc chưa đến Đà Nẵng đều nghe nói về cây cầu quay Sông Hàn và muốn được tận mắt chứng kiến, nhưng thời điểm quay cầu khá trễ. Sắp tới, giờ quay cầu sớm hơn sẽ thu hút được nhiều đối tượng khách xem hơn”.

Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel-Chi nhánh Đà Nẵng, cho hay: “Hầu hết du khách nhắc đến Đà Nẵng đều nhớ ngay cầu Sông Hàn. Ai cũng muốn xem cầu Sông Hàn quay như thế nào. Dù thời gian cầu quay diễn ra trong 1 giờ đồng hồ nhưng đây là sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Nếu có thể, vào mùa cao điểm du lịch, cần duy trì quay cầu Sông Hàn hằng đêm, chứ chỉ quay vào 2 đêm cuối tuần như hiện nay thì nhiều du khách đến Đà Nẵng rất tiếc nuối vì không xem được cầu quay”.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Cầu Sông Hàn là biểu tượng của thành phố. Trước mắt, Sở đề nghị nên quay cầu Sông Hàn sớm vào 2 ngày cuối tuần. Bài thuyết minh cho từng cây cầu cũng đã được gửi đến các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp, hướng dẫn viên... Điều quan trọng là phải nói làm sao cho hay, hấp dẫn với du khách”.

Kết hợp hoạt động văn hóa, lễ hội

Nhiều người dân và đại diện các đơn vị làm du lịch đều cho rằng, để việc quay cầu Sông Hàn trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, cần có chiến dịch truyền thông để quảng bá rộng rãi. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng thêm các sản phẩm bổ trợ phong phú dọc hai bên bờ sông Hàn để phục vụ du khách, đồng thời nên quay cầu hằng ngày.

Theo Sở VH-TT&DL, Sở đang hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9/2015. Theo đó, ngoài 6 hoạt động văn hóa, lễ hội tổ chức trước đây như: đua thuyền trên sông Hàn, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, vườn tượng Bạch Đằng..., bổ sung thêm 8 hoạt động văn hóa, lễ hội khác như: xây dựng công viên tượng đá bên cạnh khách sạn Novotel, hát hô bài chòi, hội sách Hải Châu...
 
Cầu quay sông Hàn
 

Xem thêm:               Tham khảo tour du lịch Đà Nẵng với giá ưu đãi
                   Đặt phòng khách sạn giá rẻ ở Đà Nẵng

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng đã chỉ đạo Thành Đoàn Đà Nẵng chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết thường xuyên tổ chức hoạt động nghệ thuật hiện đại như: nhảy hiphop, khiêu vũ…, vừa tạo thêm sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên thành phố, vừa thu hút người dân và du khách đến vui chơi, giải trí ở hai bờ sông Hàn.
 
Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội không tập trung, dàn trải quá nhiều loại hình biểu diễn trong cùng một thời điểm; chương trình, loại hình nghệ thuật trình diễn phải tạo sức lôi cuốn công chúng, vừa có bản sắc văn hóa truyền thống, vừa độc đáo, khác biệt; đồng thời hướng đến hội nhập quốc tế; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa, du lịch và các sự kiện lớn trong năm; kết hợp các hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông với du lịch đường sông.
 
Việc thay đổi thời gian quay cầu Sông Hàn theo hướng sớm hơn để tạo thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ người dân và du khách là cần thiết, nhưng việc bảo đảm giao thông hệ trọng hơn khi cây cầu vẫn đang là nút giao thông rất quan trọng và chủ yếu.
 
Hiện Sở Giao thông vận tải đã đề xuất UBND thành phố vận hành quay cầu Sông Hàn sớm hơn 45 phút so với hiện nay vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Đề xuất này cũng phù hợp với việc vận hành phun lửa và phun nước của cầu Rồng vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Việc quay cầu Sông Hàn sớm hơn kết hợp với việc cầu Rồng phun lửa, phun nước cùng các hoạt động văn hóa, lễ hội ở hai bên bờ sông Hàn được kỳ vọng là điểm nhấn thú vị, độc đáo, hấp dẫn và làm thỏa mãn người dân lẫn du khách vào cuối tuần.
 
Nguyệt Ánh
Theo Báo Đà Nẵng


Tag : 


Các bài viết khác

Dat xe
Dat xe
1