Nhưng từ lâu các kiến trúc chùa Trường Ninh, đình Trung Nghĩa , nhà thờ đại tôn họ Nguyễn đã bị sụp đổ, dấu tích liên quan đến Nguyễn Du chỉ sót lại nhà thờ xập xệ gãy tứ linh long ly quy phượng , đàn tế và 2 nhà Văn thánh hoang tàn, trơ trọi 2 cột nanh cổng chính. Năm 1960, để chuẩn bị vinh danh kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, giáo sư Lê Thước được vụ Bảo tồn Bảo tàng Bộ Văn hóa giao việc lập hồ sơ đề án xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Du và trực tiếp chỉ đạo việc khôi phục , xây dựng các hạng mục di tích để dựng nhà bảo tàng. Theo ông Nguyễn Xuân Bách cho biết : Lúc đó nguồn kinh phí tu bổ di tích rất khó khăn, giáo sư Lê Thước đã vận động nhân dân Tiên Điền đào găng trồng làm bờ rào , lên núi Hồng Lĩnh bứng cây thông, sang ty lâm nghiệp Nghệ An xin cây xà cừ và cọ dầu đưa về trồng làm cảnh quan di tích. Ông Thước đã cho chuyển bia cầu Tiên, khánh đá về dựng, nhặt từng viên gạch cũ để sửa chữa nhà thờ Nguyễn Du, nhà Văn thánh và đàn tế cụ Nguyễn Quỳnh. Để xây dựng nhà bảo tàng Nguyễn Du, giáo sư Lê Thước đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh xin chuyển đình Chợ Trổ có niên đại cùng thời với Nguyễn Du ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ về Tiên Điền làm nhà trưng bày hiện vật bảo tàng Nguyễn Du.
Được sự giúp đỡ của học giả Hoàng Xuân Hãn, các bô lão và dân làng chợ Trổ đồng ý chuyển ngôi đình nói trên về Tiên Điền, thuê thợ giỏi trong tỉnh dựng tại khu di tích để phục vụ du khách đến tham quan. Khi đã có đình làm nhà bảo tàng, giáo sư Lê Thước lập nội dung trưng bày. Bấy giờ Hiện vật liên quan đến thi hào thế giới Nguyễn Du còn rất ít, ông Thước phải ra tận bảo tàng Cách mạng, bảo tàng Lịch sử, viện Hán – nôm, Văn miếu Quốc tử giám…để sưu tầm. Có lần gặp một người bán đồng nát tại ga Vinh, ông lục tìm trong đống sách Hán Nôm cũ nát, mua dược cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân bằng đồng tiền ít ỏi. Giáo sư nằm hàng tháng tại nhà cụ Nguyễn Hóa ở Đan Hải, đến từng gia đình con cháu họ Nguyễn Tiên Điền, Uy Viễn , đi khắp Hà Tĩnh, Nghệ An để tìm kiếm, ghi chép, sưu tầm, lập lý lịch hiện vật đưa về trung bày tại nhà bảo tàng. Thời gian sau đó, Bộ Văn hóa tăng cường một số cán bộ mỹ thuật có chuyên môn trang trí nội thất vào Hà Tĩnh làm công tác dàn dựng không gian trưng bày hiện vật. Bằng sự bền bỉ, vượt khó mà bảo tàng Nguyễn Du hoàn thành với hàng trăm hiện vật, tư liệu, tranh ảnh, phù điêu . Du khách tham quan chỉ cần xem hệ thống trưng bày khoa học đều biết cuộc đời, sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều của vĩ nhân. Trước ngày tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du ( 23 / 11 âm lịch năm 1765 tức 3 / 1 /1766) và vinh danh thi nhân thế giới do Hội đồng hòa bình công nhận vào năm 1965, có một đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, nhà nước và bạn bè quốc tế về thắp hương ở khu mộ Nguyễn Du đã vui mừng, đánh giá cao khu lưu niệm bảo tàng khang trang, nhiều tư liệu về danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Di tích khu lưu niệm, bảo tàng Nguyễn Du lần đầu mở cửa để đón khách đến tham quan, tưởng niệm tác giả Truyện Kiều bất hủ trong hoàn cảnh chiến tranh đã lan ra miền Bắc.
Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du ở vườn Nguyễn xã Tiên Điền được hình thành từ đó đến nay đã hơn 50 năm, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử nhiều biến động với nhiều thế hệ cán bộ văn hóa làm công tác quản lý, bảo tồn, bảo tàng, hướng dẫn du khách đến tham quan. Từ năm 1965 đến 1975, khu lưu niệm do tổ di tích thuộc ty văn hóa Hà Tĩnh quản lý. Trong thời kỳ nhập tỉnh, từ năm 1976 – 1991, tổ di tích Nguyễn Du trực thuộc bảo tảng tỉnh Nghệ Tĩnh quản lý, điều hành hoạt động. Cán bộ, nhân viên công tác ở khu lưu niệm Nguyễn Du lúc đó là ông Dần, bà Mậu, bà Phương. Từ khi tách tỉnh năm 1991 đến 2003, di tích khu lưu niệm Nguyễn Du trực thuộc bảo tàng Hà Tĩnh . Từ năm 2003 lại nay, đổi tên là ban quản lý di tích Nguyễn Du trực thuộc sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh. Cán bộ, nhân viên làm việc ở ban quản lý di tích Nguyễn Du là 16 người. Tiếp tục sự nghiệp của giáo sư Lê Thước và những người đi trước, anh chị em cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Nguyễn Du hết lòng vì nhiệm vụ công tác sưu tầm hiện vật bổ sung, nghiên cứu tư liệu, làm tốt hoạt động bảo tồn bảo tàng, giới thiệu thuyết minh để phát huy giá trị di tích với khách tham quan. Ban quản lý di tích cử cán bộ chuyên môn đi Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang sưu tầm tư liệu về dòng họ Nguyên Tiên Điền, đến trường đại học Vinh, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia thu thập công trình nghiên cứu khoa học, bài giảng, luận văn tốt nghiệp về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Du và Truyện Kiều, tham gia hội thảo tại Văn miếu Quốc tử giám, liên hệ với các trung tâm văn hóa hoặc cơ sở in ấn băng đĩa, phim ảnh về truyện Kiều và hoạt động từ sức lan tỏa của nó như trò Kiều, chèo Kiều, ví Kiều, lẩy Kiều.
Từ ngày thành lập đến nay, khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du đã có nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chỉnh lý không gian trưng bày hiện vật, tư liệu liên quan đến danh nhân văn hóa dân tộc Nguyễn Du. Năm 1996, ông Nguyễn Xuân Bách (lúc đó là giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh) đã lập dự án trùng tu, tôn tạo khu lưu niện trình lên cục Bảo tàng Bộ Văn hóa – Thông tin. Năm 1998 dự án được nhà nước phê duyết và tiến hành công việc trùng tu, tôn tạo các hạng mục di tích khu lưu niệm Nguyễn Du , đồng thời mở rộng quần thể di tích họ Nguyễn Tiên Điền gồm phần mộ, đền thờ Nguyễn Nghiễm, đền thờ Nguyễn Trọng , lăng Văn sự và xây dựng không gian văn hóa theo lối đình Việt với hệ thống bảo tàng trưng bày hiện vật, thư viện nghiên cứu , phòng hội họp…. Năm 2002, hoàn thành công trình đúc tượng Nguyễn Du bằng đồng đặt trước nhà bảo tàng hiện vật . Năm 2012, di tích Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2013, Nguyễn Du được tổ chức Unesco công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
Những năm 2014 – 2015, khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế giới đại thi hào Nguyễn Du lại được tiếp tục tôn tạo, chỉnh trang để mở của đón du khách đến tham quan , kỷ niệm 250 năm ngày sinh và chính thức vinh danh danh hiệu danh nhân văn hóa thế giới . Các hạng mục nhà thờ Nguyễn Du và mộ danh nhân, vườn cũ nơi ông sống khi về Tiên Điền ở thôn Tiền Giáp, nhà Văn thánh, đàn tế và bia đá cụ Nguyễn Quỳnh, hai cây cổ thụ trên 300 năm tuổi, nhà thờ và mộ Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm thân phụ danh nhân, nhà thờ Nguyễn Trọng chú ruột cụ Nguyễn Du và không gian văn hóa Nguyễn Du, nhìn lại sau hơn 50 năm xây dựng và tu bổ, tôn tạo đã hoành tráng , xứng tầm với công lao đóng góp của Nguyễn Du trong sự nghiệp sáng tạo văn học nước nhà ./.
Đặng Viết Tường
Khối 1- Thị trấn Nghi Xuân- Hà Tĩnh