(TITC) - Sáng 30/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác du lịch năm 2015 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Đại biểu chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Năm 2015 đánh dấu một năm có nhiều chuyển biến đối với ngành Du lịch Việt Nam. Sau thời gian liên tục sụt giảm từ giữa năm 2014, từ tháng 7 năm 2015 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2014, đưa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015 đạt 7.943.651 lượt, tăng nhẹ so với năm 2014. Khách nội địa tăng trưởng ấn tượng, đạt 57 triệu lượt, tăng 48% so với năm 2014. Tổng thu từ khách du lịch đạt cao nhất từ trước đến nay (đạt 338.000 tỷ đồng) thể hiện chất lượng và hiệu quả dịch vụ du lịch được nâng cao.
Trước bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Năm 2015 là năm đầu tiên ngành Du lịch triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 08/12/2014 và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 02/7/2015 về chỉ đạo thực hiện những giải pháp vĩ mô, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tạo những chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và cải thiện môi trường du lịch.
Sự tăng cường phối hợp, liên kết thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được ngành Du lịch triển khai từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Toàn cảnh hội nghị
Trong năm 2015, nhiều dự án đầu tư du lịch quy mô lớn với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược đã hoàn thành đưa vào hoạt động góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành Du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của ngành Du lịch trong năm qua và nhấn mạnh trong thời gian tới, cần chú trọng 5 nội dung then chốt: (1) Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp bị tác động bởi nhiều yếu tố cả về tự nhiên và xã hội; có tính liên ngành, liên vùng cao, do đó, ngành Du lịch cần tăng cường liên kết, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy phát triển du lịch; (2) Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chú trọng đào tạo chuyên môn thực tiễn và ngoại ngữ, đặc biệt phát triển đội ngũ cán bộ quản lý du lịch có tầm nhìn, có năng lực đột phá và có khả năng thu hút các nguồn lực phát triển; (3) Không ngừng hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Du lịch cùng hệ thống cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược; (4) Kịp thời dự báo và chủ động ứng phó trước mọi tình hình; (5) Doanh nghiệp du lịch đóng vai trò trụ cột trong phát triển du lịch nên cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt và tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Nguồn tin: vietnamtourism.gov.vn